Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2016

Vượt qua tất cả, EURO 2016 vẫn phải bắt đầu

Nước Pháp đang “ngập” trong đủ mọi vấn đề, từ “cơn lũ” tệ hại nhất trong vòng 100 năm qua, tới những nguy cơ khủng bố. Bản lĩnh Pháp đang bị đặt dưới những áp lực khủng khiếp; nhưng chúng ta có đủ lý do để tin rằng họ có thể vượt qua...


LŨ CHỒNG LŨ TRƯỚC NGÀY HỘI LỚN
Một trong những bức ảnh được share nhiều nhất trên các mạng xã hội ở Pháp vài ngày qua là hình ảnh lâu đài Chambord nổi tiếng ở miền Trung nước Pháp nằm trơ trọi giữa biển nước mênh mông kèm lời bình hóm hỉnh: “500 năm trước, Francois đệ Nhất từng mơ ước kéo dòng sông Loire vào tận chân lâu đài Chambord bằng các con kênh để mỗi khi đến đây săn bắn, ông được hưởng trọn lạc thú núi đồi, sông nước. Giờ thì giấc mơ đó đã thành hiện thực”. 

Một bức ảnh khác: Một đôi vợ chồng dừng xe trên cầu vượt, chụp một bức selfie với khung cảnh bên dưới là đường cao tốc A10 nước chảy cuồn cuộn. Một tuần qua, “Xa lộ Aquitaine” - tên gọi khác của A10 - nối thủ đô Paris với thủ phủ rượu vang lừng danh Bordeaux - bị nước lũ chia cắt làm đôi. Lũ lụt thậm chí kéo đến tận chân tháp Eiffel, khiến các bờ kè của sông Seine vốn nổi tiếng là những con đường dạo bộ lãng mạn bậc nhất của kinh đô ánh sáng cũng bị chìm dưới gần mét nước. 
Nhưng ngoài lũ lụt của tự nhiên, nước Pháp còn phải đối mặt với những cơn lũ nhân tạo khác đáng sợ không kém. Đợt lũ đầu tiên: những cuộc biểu tình. Hàng trăm ngàn người Pháp đã xuống đường từ nhiều tháng qua, vội vã lôi nhau đi tiếp vào những cuộc đụng độ với cảnh sát. Hơi cay, dùi cui, bom xăng và những chiếc xe cảnh sát bị đốt cháy trở thành hình ảnh quen thuộc. Nhưng đó chưa phải là điều tệ nhất. EURO 2016 càng đến gần, cơ hội để truyền thông hóa sự kiện càng tăng. Những người biểu tình hiểu điều đó. Họ bao vây nhà máy lọc dầu, trạm xăng, phong tỏa nhà ga, bến cảng… Họ muốn làm nước Pháp tê liệt để buộc chính quyền lùi bước.

Chưa có ai lùi bước cả, nhưng EURO thì đang có nguy cơ gánh chịu hậu quả. Các CĐV Anh, Ireland hay Xứ Wales chạy xe từ Anh quốc sang Pháp qua Eurotunnel được khuyến cáo lùi lại vài ngày vì có thể đến Pháp thì không mua được… xăng mà chạy tiếp. Những ai di chuyển bằng tàu tốc hành TGV cũng cần xem kỹ kế hoạch của mình: chỉ có 40% chuyến tàu rời bến, vì các lái tàu đang bãi công theo kêu gọi của các công đoàn. Và cuối cùng là nỗi lo về “cơn lũ” lớn nhất mang tên an ninh. Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo công dân cẩn trọng khi đến Pháp vì nguy cơ khủng bố. Nhiều nước khác cũng phát đi những cảnh báo tương tự. Ký ức đẫm máu của Paris-tháng-11 còn nguyên. Và các mối đe dọa, phải nói thật lòng, vẫn không hề suy giảm.
Nhưng, tất cả những điều đó liệu có thể ngăn trái bóng lăn trên sân cỏ?

“Nếu chúng ta để nỗi sợ hãi lấn át, thì chúng ta đã tự thua trước khi những kẻ xấu xa làm chúng ta tổn hại”, Tổng thống Francois Hollande tuyên bố. Hai tuần sau bi kịch đẫm máu ngày 13/11/2015, nước Pháp đã tổ chức thành công và an toàn tuyệt đối Hội nghị thượng đỉnh COP 21 về khí hậu, sự kiện quy tụ nhiều lãnh đạo thế giới nhất mà Pháp từng đón tiếp. Vậy thì không có lí do gì Pháp không thể tổ chức một kỳ EURO trong an bình và hữu hảo. Trong bối cảnh hiện tại, EURO 2016 không chỉ là một sự kiện bóng đá, mà còn là một bài test với bản lĩnh và sự can đảm của nước Pháp trước nghịch cảnh. 

NGƯỜI PHÁP CHỜ ĐỢI GÌ Ở EURO 2016? 

Không phải là lợi ích kinh tế, bởi những nghiên cứu về các kỳ Olympic, World Cup hay EURO đã chỉ ra rằng, rất ít quốc gia thu được lợi ích kinh tế thực sự khi tổ chức các sự kiện thể thao tầm cỡ. “Hiệu ứng Barcelona” (Olympic Barcelona 1992) là cực kỳ hãn hữu, trong khi hậu quả Athens (Olympic 2004) hay Nam Phi (World Cup 2010) thì là nhãn tiền.  
Cũng không phải là thành tích thể thao. Người Pháp không yêu bóng đá nhiều như người Italia, Tây Ban Nha hay Anh. Kỳ vọng vào đội quân của Didier Deschamps, vì thế, ở mức rất vừa phải. Vô địch thì tuyệt vời, nhưng không vô địch cũng chẳng chết ai. Như đã nói ở trên, vì người Pháp không cuồng si với bóng đá, hiệu ứng thành công-thất bại lên xã hội Pháp chỉ là điều tương đối. Cái gọi là “sự gắn kết xã hội” từ đội quân Black-Blanc-Beur (Đen-Trắng-Pha) hồi vô địch World Cup 1998 thực ra đã bị thổi phồng. Nước Pháp ít khi vì một thành tích bóng đá mà tốt lên hay xấu đi triệt để.

Vậy thì người Pháp chờ gì?

Một giải đấu an toàn và một ngày vui cho tất cả. Thị trưởng Bordeaux, Alain Juppé, ứng cử viên hàng đầu cho chức Tổng thống Pháp vào năm sau, chỉ nhắn nhủ một điều đơn giản: xem bóng đá đừng quên thưởng thức rượu vang. Ông vừa tự tay cắt băng khánh thành “Thành phố rượu vang”! tại Bordeaux và đang háo hức chờ các tín đồ bóng đá khắp nơi đến khám phá và thưởng thức loại rượu lừng danh của nước Pháp.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts